Những việc chắc chắn phải làm trước khi xuống lỗ 😉
Một ngày nào đó, mình sẽ chết.
Không phải bi kịch, không phải mất mát, không cần ai thương tiếc hay ghi nhớ.
Chỉ đơn giản là Level Up.
Mình không quay lại Trái Đất.
Không lặp lại bài kiểm tra cũ.
Mình sẽ chọn một hành trình khác — thật chill, thật dị biệt, như cái cách mình đã từng xuất hiện giữa thế giới này:
lặng lẽ, lạ thường, và đầy tò mò.
Dù cái chết đến trong giấc ngủ, giữa thiên nhiên, hay trong một khoảnh khắc không ai biết,
mình vẫn sẽ đón nhận nó bằng sự bình thản và nụ cười tự do nhất.
Vì mình hiểu:
Chết không phải là hết. Mà là cánh cửa mở ra chuyến phiêu lưu kế tiếp.
Không cần đưa tiễn.
Không cần ai nhớ thương.
Chỉ cần biết rằng — mình đã sống đúng nhịp của mình, và ra đi cũng vậy.
Mình muốn một lần được cháy hết mình ở một đại nhạc hội ngoài trời thật sự – nơi ánh đèn, tiếng bass và hàng nghìn con người cùng rung động trên một tần số.
Có thể là EDM, DJ trance, hoặc Dark Psytrance – càng deep, càng "xoáy", càng tốt.
Mình không cần ai quen, không cần selfie hay check-in.
Chỉ cần một không gian đủ lớn để mình có thể biến mất – hòa vào âm nhạc, vào đám đông, vào chính cái tôi đang được mở khóa.
Không phải để vui chơi kiểu xã giao.
Mà là để xé toạc lớp vỏ thường ngày, và sống đúng nghĩa "mình – ở đây – và bây giờ".
Thành thật mà nói, mình lười vận động, không mê thể thao, càng không phải kiểu người sẽ tự dưng vác balo đi leo núi dưới trời nắng gắt.
Nhưng mà… mình muốn thử. Ít nhất một lần.
Muốn phá vỡ cái vỏ lười cũ kỹ của mình, muốn biết cảm giác đứng trên đỉnh núi nhìn mây bay, hoặc đơn giản chỉ để thấy:
À, hóa ra mình cũng có thể làm những điều mà trước đây mình tưởng là "không dành cho mình".
Không cần phải đi Fansipan hay Everest,
chỉ cần một con dốc đủ dài, một đôi chân đủ mỏi, và một tâm trí đủ mở —
là mình tin, thiên nhiên sẽ nói cho mình nghe điều gì đó rất thật.
Dù là đàn, ca, sáo, nhị, hay thậm chí là EDM, DJ, gõ xoong chảo, mình nhất định phải biết chơi một loại nhạc cụ – không phải để biểu diễn cho ai xem, mà để chạm được vào thứ ma thuật tên là âm nhạc.
Với mình, âm nhạc là loại ma túy duy nhất hợp pháp, là liều thuốc chữa lành mà không cần đơn. Nó có thể thay đổi tâm trạng, chữa lành nỗi buồn, khuấy động sự sống, và kết nối những con người xa lạ.
Chỉ cần biết chơi một nhạc cụ, thì dù ở bất kỳ đâu, mình vẫn có thể giao tiếp bằng tần số cảm xúc, không cần ngôn ngữ, không cần giới thiệu.
Đây không phải sở thích nhất thời.
Đây là điều mình nhất định phải làm.
Đây không phải là một mục tiêu kiểu “nếu rảnh thì làm” – mà là một việc mình phải làm bằng mọi cách.
Với mình, tiếng Anh là để giao tiếp, không phải để đi thi. Không cần điểm số, không cần chứng chỉ long lanh, chỉ cần nói chuyện được với bất kỳ ai trên thế giới, không cần phụ đề, là đủ.
Hiện tại, mình may mắn đang làm cho một công ty của Úc, mỗi ngày đều phải dùng tiếng Anh để trao đổi công việc. Nhưng thẳng thắn mà nói: tiếng Anh của mình vẫn rất tệ, và mình không hề hài lòng với hiện tại một chút nào.
Mình không muốn chỉ “nghe được sơ sơ, hiểu đại khái”.
Mình muốn nghe rõ, nói chuẩn, phản xạ tự nhiên.
Mình muốn dùng tiếng Anh để kết nối với bất cứ ai, ở bất cứ đâu, và nói chuyện một cách chân thật, tự tin như chính con người mình.
Đây là lời cam kết với bản thân. Và mình biết, mình sẽ làm được.
🕺 Có 6 múi không phải để khoe – mà để quẩy hết mình trên bar không thấy mệt.
Giờ mới đang tập tành gym gủng, chắc từ từ mới có 😆.
🗺️ Tới một ngọn hải đăng, chụp vài pô deep deep, rồi ngồi nghe gió kể chuyện sóng.
Mình học ở trường Công Nghiệp – một nơi mà nếu chịu khó một tí là đủ để học giỏi và kiếm học bổng. Mà khổ nỗi, mình lại chọn con đường chill: học kiểu "tới đâu hay tới đó", đợi gần thi mới ngồi học một thể, còn ngày thường thì sống như gió.
Tất nhiên, với mấy môn chuyên ngành liên quan đến code thì mình vẫn học nghiêm túc để gỡ điểm A. Còn mấy môn linh tinh như giáo dục thể chất, tư tưởng, triết học các thứ… thì mình để đó cho ông trời tính điểm giùm =]]
Rồi đến lúc làm đồ án tốt nghiệp, mình cũng không nghĩ nhiều. Nhưng rồi thế quái nào, sau khi có kết quả, GPA vừa tròn 3.2 – đúng ngưỡng để nhận bằng Giỏi. Không hơn, không kém. Đẹp như thể vũ trụ đã lập trình trước.
Thành thật mà nói:
Từ lúc ra trường đến giờ, chưa ai hỏi mình tốt nghiệp bằng gì, hay học trường nào. Nhưng mình vẫn thấy tự hào, vì với một đứa vừa lười vừa “học theo cảm hứng” như mình, việc được bằng giỏi là một thành tựu… siêu hài hước nhưng cũng siêu vui.
Hồi sinh viên, mình luôn nghĩ mấy câu lạc bộ này nọ là chuyện hơi màu mè và tốn thời gian. Nhất là thấy các bạn FTU suốt ngày “club this, club that” mình càng cảm thấy… “thôi cho xin”.
Thế mà rồi một ngày đẹp trời, mình lại thi vào CLB IT của trường. Nhưng mới vào một thời gian thì nhận ra: không hợp vibe, thế là lặng lẽ rút lui.
Rồi duyên tới từ một nơi không ngờ: CLB Sách và Hành Động (BAH) – nơi mình thường xuyên tới mượn sách. Tình cờ thấy CLB tuyển thành viên, mình đăng ký thử… và pass luôn. Không hiểu sao, chỉ một thời gian sau, mình lại được cử làm Trưởng ban Tài chính - Nhân sự. Nghe thì to, chứ mình vẫn thấy mình là một nhân tố “khác người”, kiểu:
“Không đóng góp gì quá vĩ đại, nhưng lúc nào cũng đem lại năng lượng dị dị mà dễ thương.” 😆
Mình tin rằng, bằng mấy hoạt động của mình ở BAH, mình đã khiến một vài người trong CLB cười nhiều hơn, chill hơn, sống vui hơn. Và như vậy là đủ. Không cần quá hào nhoáng, mình cũng đã là một phần của thanh xuân mọi người – theo cách riêng của mình.
Khoảng thời gian ở CLB BAH thực sự là một trong những niềm vui lớn nhất thời đại học. Mặc dù có một vài chuyện khiến mình rời đi sớm hơn mong đợi, nhưng mình chưa bao giờ ngừng yêu quý mọi người ở đó.
Hồi năm 3 đại học, mình đã ôm mộng được đi làm đúng chuyên ngành IT – không phải đợi tốt nghiệp mới bắt đầu. Và rồi, bằng chút nỗ lực và cả cái duyên nghề, mình thực tập tận 3 chỗ trước khi tìm được một nơi gọi là "thực tập thật sự".
Cảm ơn anh backend lead và anh giám đốc ở công ty thứ 3 – những người đầu tiên đặt cho mình câu hỏi nghiêm túc, giao task thật sự và đối xử như một người đồng nghiệp. Nhờ vậy, mình biết “đi làm” là như thế nào – không còn là bài tập nhóm, mà là sản phẩm chạy thật.
Rồi đến đầu năm 4, mình chính thức vào làm part-time tại Rikkei – một công ty IT khá lớn thời điểm đó. Lương 7 triệu/tháng – với sinh viên IT lúc đó là con số trong mơ. Cảm giác lần đầu kiếm được tiền từ nghề mình học, tự lập thật sự, không xin tiền bố mẹ – đúng là cột mốc khó quên.
Cũng trong năm 4, mình được nhận chính thức vào Rikkei, mức lương 10 triệu – lần đầu chạm mốc "8 chữ số", tim đập thình thịch khi nhìn con số chuyển khoản. Một cảm giác nhỏ nhoi, nhưng đủ để thằng sinh viên năm cuối năm ấy thấy tự hào vì chính mình.
Hồi học cấp 3 ở Lê Hồng Phong, vì mình từ lớp chọn được chuyển sang lớp chuyên Toán nên không được học bổng như mấy bạn “chính chủ”. Cũng hơi tủi, nhưng thôi kệ.
Lên đại học thì khác nha 😌 Học ở Trường Công Nghiệp, mình ẵm học bổng tới 2 lần lận:
Lần 1: Kỳ 1 năm nhất – lúc đó còn chăm chỉ, đầu óc vẫn còn thơm mùi cấp 3, nên quẩy điểm GPA cao nhất lớp luôn. Nhận học bổng mà vừa vui vừa ngỡ ngàng 😆
Lần 2: Năm mấy thì chịu, không nhớ nổi. Chỉ nhớ một hôm check danh sách thấy tên mình, kiểu "Ủa, mình được nữa hả??" =]]
Thật ra học trường này mình nhận ra một điều:
Chỉ cần chăm xíu là được học bổng, không áp lực đến mức khủng khiếp. Nhưng sau khi nhận rồi thì... cũng hết hứng. Thấy vậy là đủ, trải nghiệm chút cảm giác "được công nhận" rồi tiếp tục chill.
Hồi đó mơ mộng lắm, chỉ ước một ngày được học ở trường chuyên Lê Hồng Phong của tỉnh – nghe tên thôi đã thấy sang chảnh và trí tuệ rồi. Và rồi mình thi đỗ thật, thậm chí là thủ khoa lớp chọn của trường – cảm giác như giấc mơ thành hiện thực.
Nhưng chưa hết bất ngờ: lớp chuyên Toán bị thiếu người vì nhiều bạn rút hoặc chuyển trường, và thế là... mình lại được "đôn" lên học chuyên Toán – nơi quy tụ toàn tinh anh của tinh anh.
Cơ mà đời không như mơ. Ở lớp chuyên Toán, mình bắt đầu thấy mình đuối, không còn là học sinh top đầu như xưa. Bài vở thì nặng, nhịp độ học thì chóng mặt. Nhìn quanh đâu đâu cũng thấy người giỏi, còn mình thì loay hoay tìm cách bắt kịp.
Quyết định học chuyên Toán có lẽ không hoàn toàn đúng với năng lực thật của mình, nhưng nó đã cho mình một cú va chạm sớm với thực tế – bài học đầu đời về biết người, biết mình, và biết chấp nhận. Và đôi khi, những bài học đó còn giá trị hơn cả điểm số.
Tầm này thì mấy kì thi cấp huyện chỉ là vòng gửi xe thôi, phải lên cấp tỉnh mới đúng sân chơi. Hồi đó mình thi hai môn: giải toán bằng máy tính cầm tay và giải toán thông thường. Cả hai đều có giải luôn, nhưng giờ hỏi được giải mấy thì… xin lỗi, bộ nhớ đã nâng cấp sang chill mode nên quên sạch =]]
Đội tuyển Toán – nơi mấy thanh niên thần đồng quy tụ. Mình thì… chắc tầm trung bình của đám giỏi 😅 Nhưng số trời đã an bài: mấy đứa top đầu rủ nhau chuyển trường, và như một pha “trượt vỏ chuối thần kỳ”, mình được đôn lên. Vô tình hay cố ý, vẫn là mình góp mặt trong hội elite.
🏆 Lớp 5 – top 3 học bá của trường, được chọn lên trường huyện, đi thi tỉnh cả Toán lẫn Văn – chốt đơn giải Nhì, nhẹ nhàng mà sâu cay 😎
🏅 Lớp 3 thì… chả nhớ rõ nữa, nhưng hình như cũng có giải cấp trường gì đó. Hồi đó học cũng top đầu trường rồi, ngang cơ Oanh Hiểu với Ánh Nghị – hội học bá huyền thoại =]]
Thành thật mà nói, T.T.N.Minh là một người có ý nghĩa rất lớn với mình. Mình còn nhớ như in cái lần đầu tiên thấy M đi ngang qua hành lang, về phòng 413. Không hiểu vì sao, mình thích M ngay lập tức, chẳng cần lý do, chẳng cần quá nhiều suy nghĩ.
Nhưng thời điểm đó, mình lại đang rơi vào giai đoạn stress và tự ti, vì thành tích học hành sa sút, bản thân thấy mình “ngu đi” từng ngày. Tự ti – thứ âm thầm giết chết khả năng thể hiện tình cảm, giết chết luôn cả sự chủ động của mình.
Mình âm thầm kết bạn Zalo với M, rồi nhắn tin ẩn danh trong một thời gian dài. Dù không để lộ mình là ai, nhưng mình tin những lời mình từng nói ra đã khiến M vui, đã mang lại một chút ánh sáng cho ngày của M – ít nhất là như vậy mình nghĩ.
Rồi... mình biến mất.
Sau một khoảng thời gian dài, mình quay lại Zalo, nói chuyện tiếp với M, và tiết lộ rằng "Xoài" chính là mình. Rồi bằng một chút can đảm cuối cùng, mình tỏ tình, và không ngờ rằng M đồng ý. Chúng mình chính thức là "người yêu" của nhau – đúng ngày bế giảng lớp 12.
Chỉ vỏn vẹn 2 tháng yêu nhau, nhưng đó là 2 tháng vui nhất cuộc đời mình. Trong khoảng thời gian ấy, mình đã lần đầu tiên đi một mình lên Nam Định để gặp M, đã được đi xe buýt với M, cùng nhau chia sẻ một hành trình nhỏ mà mình coi là rất lớn.
Nhưng rồi, sau kỳ thi đại học, khi điểm số không như mong đợi, mình sụp đổ. Tự ti lại một lần nữa quay lại – lần này còn mạnh hơn. Mình bắt đầu nghĩ rằng mình không xứng với M, không đủ tốt, không đủ tương lai... Và vì thế, mình chủ động nói lời chia tay.
Đến giờ nghĩ lại, mình không chắc mình đúng hay sai, nhưng đó là một quyết định khiến mình day dứt rất lâu. Phải mất một thời gian dài mình mới mở lòng lại để yêu người khác, bởi vì trong lòng vẫn giữ hình bóng của M – người con gái đầu tiên mình thực sự yêu, thực sự muốn giữ nhưng lại buông tay.
Nếu có thể quay lại, ngay tại thời điểm ấy, mình sẽ chọn mạnh mẽ gấp 100 lần, để không buông bỏ M dễ dàng như vậy, để cho mình và M thêm một cơ hội.
Mình vẫn luôn giữ M ở trong lòng như một kỷ niệm đẹp – một phần thanh xuân không thể xóa. Nhưng không vì thế mà mình đóng cửa trái tim. Ngược lại, mình học cách mở lòng ra một lần nữa, để sẵn sàng yêu người tiếp theo bằng tất cả sự trọn vẹn và mãnh liệt nhất của mình.
M không còn là người mình theo đuổi, nhưng lại trở thành động lực lớn để mình phát triển — từng bước một. Mình muốn trở thành một phiên bản mạnh mẽ hơn, giỏi giang hơn, sâu sắc hơn.
Để Đăng của năm đó – cậu bé tự ti, rụt rè, bỏ lỡ điều mình yêu – có thể ngẩng đầu nhìn về Đăng của tương lai và mỉm cười:
“Tao đã làm được. Tao không còn sợ hãi nữa.”
Từ nhỏ, mình đã mơ được học IT ở Bách Khoa – ngôi trường danh giá mà mình từng tin là con đường duy nhất để theo đuổi đam mê công nghệ. Nhưng đời không như lý tưởng tuổi teen. Năm thi đại học, mình không đủ điểm, và thế là giấc mơ Bách Khoa khép lại từ trước cả khi nộp hồ sơ.
Lúc đó buồn thật, nhưng nghĩ lại thì… lại đúng đắn cực kỳ. Với sức học lúc ấy, nếu cố đâm đầu vào Bách Khoa, chắc giờ vẫn đang mòn dép năm 8 chờ tốt nghiệp, hoặc nằm đâu đó trong danh sách “tạm nghỉ học do mất phương hướng” 😅
Nên với cậu bé 18 tuổi năm đó, việc trượt Bách Khoa là một cú “hên trá hình” – một bước ngoặt nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn.
Nếu được làm lại, và giả sử mình học Lê Quý Đôn như đã từng nghĩ, vẫn giữ phong độ học bá như hồi cấp 1 – cấp 2, có thể mình sẽ cân nhắc học Bách Khoa thật. Nhưng tất cả chỉ là “nếu”. Bởi vì...
Mình không hề thấy tiếc.
Vì thay vào đó, mình đã có 4 năm ở Trường Đại Học Công Nghiệp Hà Nội – 4 năm hạnh phúc nhất của đời sinh viên. Ở đó, mình không chỉ học được IT không kém bất kì ai, mà còn học được cách sống, cách chơi, cách yêu quý chính cuộc đời mình.
Hồi đó mình đã đậu Lê Hồng Phong – trường chuyên mơ ước của tỉnh, nhưng vẫn đăng ký thi thêm vào Lê Quý Đôn, trường gần nhà. Hôm đi thi, một đứa bạn bảo: “Ê, mày thi ở đây rồi là không được học Lê Hồng Phong nữa đâu nha.”
Nghe xong mình, Đông Vở, Khánh Đủ, 3 đứa nhìn nhau, rồi... lóc cóc bỏ về trước khi kịp bước vào phòng thi. Chắc lúc đó mấy phụ huynh và học sinh trong sân trường chỉ biết nhìn theo với một đống dấu hỏi chấm trên đầu 🤷♂️😂
Vì bỏ thi nên mình mất luôn cơ hội được học ở trường gần nhà. Sau này nghĩ lại, mình tin nếu học ở Lê Quý Đôn thì có khi mình lại học giỏi hơn – vì những học sinh top đầu huyện lúc đó đều đã lên Lê Hồng Phong, và Lê Quý Đôn có thể mới là nơi phù hợp hơn với mình.
Hơn nữa, học ở đó còn được ở gần mẹ. Hồi đó mình đi học xa, mẹ ở nhà một mình chắc chắn buồn lắm. Nếu lúc đó hiểu hơn về mẹ, hiểu hơn về bản thân, thì có lẽ mình đã chọn khác.
Nếu được làm lại, nhất định mình sẽ chọn học ở ngôi trường này.